Hệ điều hành Android là gì?
Android là một hệ điều hành dựa trên nền tảng Linux được thiết kế dành cho các thiết bị di động có màn hình cảm ứng như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Ban đầu, Android được phát triển bởi Android Inc. với sự hỗ trợ tài chính từ Google và sau này được chính Google mua lại vào năm 2005.
Android ra mắt vào năm 2007 cùng với tuyên bố thành lập Liên minh thiết bị cầm tay mở: một hiệp hội gồm các công ty phần cứng, phần mềm, và viễn thông với mục tiêu đẩy mạnh các tiêu chuẩn mở cho các thiết bị di động. Chiếc điện thoại đầu tiên chạy Android được bán vào năm 2008.
Android có mã nguồn mở và Google phát hành mã nguồn theo Giấy phép Apache. Chính mã nguồn mở cùng với một giấy phép không có nhiều ràng buộc đã cho phép các nhà phát triển thiết bị, mạng di động và các lập trình viên nhiệt huyết được điều chỉnh và phân phối Android một cách tự do. Ngoài ra, Android còn có một cộng đồng lập trình viên đông đảo chuyên viết các ứng dụng để mở rộng chức năng của thiết bị, bằng một loại ngôn ngữ lập trình Java có sửa đổi. Tháng 10 năm 2012, có khoảng 700.000 ứng dụng trên Android, và số lượt tải ứng dụng từ Google Play, cửa hàng ứng dụng chính của Android, ước tính khoảng 25 tỷ lượt.
Những yếu tố này đã giúp Android trở thành nền tảng điện thoại thông minh phổ biến nhất thế giới, vượt qua Symbian OS vào quý 4 năm 2010, và được các công ty công nghệ lựa chọn khi họ cần một hệ điều hành không nặng nề, có khả năng tinh chỉnh, và giá rẻ chạy trên các thiết bị công nghệ cao thay vì tạo dựng từ đầu. Kết quả là mặc dù được thiết kế để chạy trên điện thoại và máy tính bảng, Android đã xuất hiện trên TV, máy chơi game và các thiết bị điện tử khác. Bản chất mở của Android cũng khích lệ một đội ngũ đông đảo lập trình viên và những người đam mê sử dụng mã nguồn mở để tạo ra những dự án do cộng đồng quản lý. Những dự án này bổ sung các tính năng cao cấp cho những người dùng thích tìm tòi hoặc đưa Android vào các thiết bị ban đầu chạy hệ điều hành khác.
Android chiếm 87,7% thị phần điện thoại thông minh trên toàn thế giới vào thời điểm quý 2 năm 2017, với tổng cộng 2 tỷ thiết bị đã được kích hoạt và 1,3 triệu lượt kích hoạt mỗi ngày. Sự thành công của hệ điều hành cũng khiến nó trở thành mục tiêu trong các vụ kiện liên quan đến bằng phát minh, góp mặt trong cái gọi là "cuộc chiến điện thoại thông minh" giữa các công ty công nghệ. (Theo Wikipedia)
Lịch sử phát triển của hệ điều hành Android
Android, Inc. được thành lập tại Palo Alto, California vào tháng 10 năm 2003 bởi Andy Rubin (đồng sáng lập công ty Danger), Rich Miner (đồng sáng lập Tổng công ty Viễn thông Wildfire),Nick Sears (từng là Phó giám đốc T-Mobile), và Chris White (trưởng thiết kế và giao diện tại WebTV) để phát triển, theo lời của Rubin, "các thiết bị di động thông minh hơn có thể biết được vị trí và sở thích của người dùng". Dù những người thành lập và nhân viên đều là những người có tiếng tăm, Android, Inc. hoạt động một cách âm thầm, chỉ tiết lộ rằng họ đang làm phần mềm dành cho điện thoại di động. Trong năm đó, Rubin hết kinh phí. Steve Perlman, một người bạn thân của Rubin, mang cho ông 10.000 USD tiền mặt nhưng từ chối tham gia vào công ty.
Google mua lại Android, Inc. vào ngày 17 tháng 8 năm 2005, biến nó thành một bộ phận trực thuộc Google. Những nhân viên của chủ chốt của Android, Inc., gồm Rubin, Miner và White, vẫn tiếp tục ở lại công ty làm việc sau thương vụ này. Vào thời điểm đó không có nhiều thông tin về công ty, nhưng nhiều người đồn đoán rằng Google dự tính tham gia thị trường điện thoại di động sau bước đi này. Tại Google, nhóm do Rubin đứng đầu đã phát triển một nền tảng thiết bị di động phát triển trên nền nhân Linux. Google quảng bá nền tảng này cho các nhà sản xuất điện thoại và các nhà mạng với lời hứa sẽ cung cấp một hệ thống uyển chuyển và có khả năng nâng cấp. Google đã liên hệ với hàng loạt hãng phần cứng cũng như đối tác phần mềm, bắn tin cho các nhà mạng rằng họ sẵn sàng hợp tác với các cấp độ khác nhau.
Ngày 5 tháng 11 năm 2007, Liên minh thiết bị cầm tay mở (Open Handset Alliance), một hiệp hội bao gồm nhiều công ty trong đó có Texas Instruments, Tập đoàn Broadcom, Google, HTC, Intel, LG, Tập đoàn Marvell Technology, Motorola, Nvidia, Qualcomm, Samsung Electronics, Sprint Nextel và T-Mobile được thành lập với mục đích phát triển các tiêu chuẩn mở cho thiết bị di động. Cùng ngày, Android cũng được ra mắt với vai trò là sản phẩm đầu tiên của Liên minh, một nền tảng thiết bị di động được xây dựng trên nhân Linux phiên bản 2.6. Chiếc điện thoại chạy Android đầu tiên được bán ra là HTC Dream, phát hành ngày 22 tháng 10 năm 2008. Biểu trưng của hệ điều hành Android mới là một con robot màu xanh lá cây do hãng thiết kế Irina Blok tại California vẽ.
Từ năm 2008, Android đã trải qua nhiều lần cập nhật để dần dần cải tiến hệ điều hành, bổ sung các tính năng mới và sửa các lỗi trong những lần phát hành trước. Mỗi bản nâng cấp được đặt tên lần lượt theo thứ tự bảng chữ cái, theo tên của một món ăn tráng miệng; ví dụ như phiên bản 1.5 Cupcake (bánh bông lan nhỏ có kem) tiếp nối bằng phiên bản 1.6. Phiên bản mới nhất hiện nay là Android 13, ra mắt vào tháng 8 năm 2022. Vào năm 2010, Google ra mắt loạt thiết bị Nexus—một dòng sản phẩm bao gồm điện thoại thông minh và máy tính bảng chạy hệ điều hành Android, do các đối tác phần cứng sản xuất. HTC đã hợp tác với Google trong chiếc điện thoại thông minh Nexus đầu tiên, Nexus One. Kể từ đó nhiều thiết bị mới hơn đã gia nhập vào dòng sản phẩm này, như điện thoại Nexus 4 và máy tính bảng Nexus 10, lần lượt do LG và Samsung sản xuất. Google xem điện thoại và máy tính bảng Nexus là những thiết bị Android chủ lực của mình, với những tính năng phần cứng và phần mềm mới nhất của Android. (Theo Wikipedia)
Giao diện và ứng dụng của hệ điều hành
Những thông tin về giao diện và ứng dụng của hệ điều hành:
1. Giao diện
Giao diện người dùng của Android được dựa trên nguyên tắc tác động trực tiếp, sử dụng cảm ứng chạm tương tự như những động tác ngoài đời thực như vuốt, chạm, kéo dãn và thu nhỏ để xử lý các đối tượng trên màn hình. Sau khi khởi động các thiết bị Android, màn hình sẽ bao gồm nhiều biểu tượng (icon) và tiện ích (widget). Giao diện có thể tùy chọn ở mức cao, người dùng có thể tự do sắp đặt hình dáng cũng như hành vi của thiết bị theo sở thích.
Những ứng dụng do bên thứ ba cung cấp sẽ có trên Google Play- kho ứng dụng. Tại đây bạn có thể thay đổi “chủ đề” của màn hình chính hay bắt chước hình dáng của hệ điều hành khác như Windows Phone hay iOS. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đều thay đổi hình dáng Android một cách linh hoạt để phân biệt chúng với các hệ điều hành khác.
Các phiên bản của Android sẽ được Google cập nhật theo chu kỳ từ tháng 6 đến tháng 9 để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Giao diện của hệ điều hành
2. Ứng dụng
Người dùng có thể tải các ứng dụng bên thứ ba trên Google Play. Một số ứng dụng sẽ miễn phí, một số sẽ mất phí. Đối với người dùng mất phí tải về, nếu người dùng mua một ứng dụng mà họ cảm thấy không hài lòng thì sẽ được hoàn trả tiền sau 15 phút kể từ lúc tải về.
Đến nay đã có hơn 3 triệu ứng dụng trên Android và số lượng tải về từ cửa hàng ứng dụng Google Play chiếm khoảng 30 tỷ lượt. Các ứng dụng dành cho Android sẽ được phát triển bằng ngôn ngữ Java và sử dụng Bộ phát triển phần mềm Android (SDK). Bộ phát triển này gồm có công cụ gỡ lỗi, thư viện phần mềm, hỗ trợ với công suất tối đa cho nhu cầu các thiết bị.
Ứng dụng của Android
Hệ thống Android - Ưu nhược điểm
Dưới đây là những ưu và nhược điểm để bạn hiểu thêm về hệ điều hành này:
1. Ưu điểm
- Là hệ điều hành có mã nguồn mở, có thể linh hoạt tùy biến hay tùy ý chỉnh sửa mà không có sự can thiệp hay cấm cản từ chủ sở hữu.
- Đa dạng sản phẩm, có rất nhiều hàng điện thoại sử dụng công nghệ Android với các phân khúc từ bình dân đến cao cấp, đem lại nhiều sự lựa cho khách hàng.
- Kho ứng dụng Google Play đồ sộ.
- Giao diện thân thiện và dễ dàng sử dụng.
- Khả năng đa nhiệm, có thể chạy cùng lúc với nhiều ứng dụng cao.
2. Nhược điểm
- Do Google Play có đa dạng ứng dụng nên rất khó kiểm soát chất lượng, thiếu các ứng dụng thực sự tốt.
- Tính chất mã nguồn mở nên rất dễ bị nhiễm các phần mềm độc hại và virus.
- Cập nhật không tự động với các thiết bị, một số phiên bản nâng cấp của hệ điều hành sẽ chỉ cập nhất ở những thiết bị mới.
- Khả năng tối ưu hóa bộ nhớ RAM có phần kém hơn, khiến cho việc nhiều ứng dụng chạy ngầm sẽ làm chậm máy thậm chí là đơ máy.
So sánh Android và các hệ điều hành iOS
iOS là hệ điều hành phổ biến thứ 2 sau Android. Hai hệ điều hành có gì khác biệt, thông tin sẽ được bật mí ngay dưới bảng sau đây:
Thông tin | Android | iOS |
Nhà phát triển | Google và Open Handset Alliance | Apple Inc |
Bản phát hành đầu tiên | Ngày 05/11/2007 | Ngày 29/07/2007 |
Phiên bản mới nhất (Tính đến 5/2022) |
Android 12 | iOS 15.1 |
Nền tảng mã nguồn | Kernel (Dựa trên Linux), Giao diện người dùng và một số ứng dụng tiêu chuẩn | Nhân iOS không phải là mã nguồn mở mà dựa trên hệ điều hành Darwin mã nguồn mở |
Khả năng tùy chỉnh | Rất nhiều. Có thể thay đổi hầu hết mọi thứ | Hạn chế, trừ khi bẻ khóa |
Trình duyệt | Google Chrome | Safari |
Bản đồ | Google Maps | Apple Maps |
Ngôn ngữ hỗ trợ | Các ngôn ngữ hiện có là gần 100 | Các ngôn ngữ hiện có là gần 40 |
Gọi video | Trợ lý Google (Google Assistant) | Siri |
Thiết bị hỗ trợ cài đặt hệ điều hành | Hệ điều hành này hỗ trợ các điện thoại thông minh khác nhau như Samsung, Xiaomi, OnePlus, Honor, vivo, Huawei, OPPO, Nokia, Vsmart,... | Hệ điều hành này chỉ hỗ trợ các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad, iPod Touch & Apple TV |
Đánh giá pin | Thời lượng pin cao, hiệu năng quản lý pin chưa tốt so với iOS | Dung lượng pin không lớn so với Android nhưng hiệu năng quản lý tốt |
Xác thực sinh trắc học | Nhận dạng vân tay hoặc khuôn mặt | Nhận dạng vân tay hoặc khuôn mặt |
Quản lý tập tin | Trình quản lý tệp Android gốc | Ứng dụng Tệp |
Cập nhật | Phần lớn các thiết bị Android đang chạy hệ điều hành không phải mới nhất. | Phần lớn các thiết bị được hỗ trợ cập nhật phiên bản iOS mới nhất |
Giao diện | Màn hình cảm ứng | Màn hình cảm ứng |
Lịch sử các phiên bản của hệ điều hành Android
Google luôn không ngừng thay đổi và cải tiến sau mỗi phiên bản phát hành nhằm nâng cao bảo mật và cải tiến hiệu suất:
- Android 1.0: Phát hành 23/9/2008, sở hữu bộ ứng dụng Google, bao gồm Gmail, Maps, Lịch và YouTube.
- Android 1.5 (Cupcake): Phát hành 27/4/2009, ra mắt bàn phím ảo trên màn hình và framewrk cho app các widget bên thứ ba.
- Android 1.6 (Donut). Phát hành 15/9/2009. Giới thiệu HĐH có thể chạy trên các kích thước và độ phân giải màn hình khác nhau; tăng cường hỗ trợ cho mạng CDMA.
- Android 2.0 (Eclair). Phát hành 26/10/2009. Ra mắt tính năng điều hướng bằng giọng nói theo từng chặng, cập nhật thông tin giao thông thời gian thực, kéo mở để thu phóng.
- Android 2.2 (Froyo). Phát hành 20/5/2010. Thêm dock ở cuối màn hình chính và tác vụ thoại, cho phép người dùng chạm vào biểu tượng và nói lệnh. Hỗ trợ Flash cho trình duyệt web.
- Android 2.3 (Gingerbread). Phát hành 6/12/2010. Ra mắt giao diện người dùng đen và xanh lục.
- Android 3.0 đến 3.2 (Honeycomb). Phát hành 22/2/2011. Bản phát hành này dành riêng cho máy tính bảng và có thêm thiết kế không gian ba chiều màu xanh lam
- Android 4.0 (Ice Cream Sandwich). Phát hành 18/10/2011. Giới thiệu giao diện người dùng thống nhất cho cả máy tính bảng và điện thoại thông minh; với thay đổi lớn nhất là chủ yếu sử dụng thao tác vuốt để điều hướng.
- Android 4.1 đến 4.3 (Jelly Bean). Phát hành lần lượt vào 9/7/2012, 13/11/2012 và 24/7/2013. Giới thiệu Google Now, một dịch vụ lập kế hoạch trong ngày. Ngoài ra còn có thông báo dạng tương tác và cải tiến hệ thống tìm kiếm bằng giọng nói
- Android 4.4 (KitKat). Phát hành chính thức 31/10/2013. Ra mắt giao diện người dùng với các màu sáng hơn, cùng với thanh trạng thái trong suốt và các biểu tượng màu trắng.
- Android 5.0 (Lollipop). Phát hành chính thức 12/11/2014. Kết hợp thiết kế giao diện dạng card-based với các yếu tố như thông báo và danh sách Ứng dụng gần đây. Giới thiệu tính năng điều khiển bằng giọng nói thông qua lệnh "OK, Google".
- Android 6.0 (Marshmallow). Được phát hành chính thức hồi tháng 10 năm 2015. Bản phát hành này đánh dấu việc Google thông qua lịch phát hành hàng năm. Ra mắt tính năng quản lý quyền truy cập ứng dụng chi tiết hơn, hỗ trợ cho đầu đọc vân tay và USB-C.
- Android 7.0 và 7.1 (Nougat). Phát hành lần lượt vào 22/8/2016 và 4/10/2016. Ra mắt chế độ chia đôi màn hình gốc và tính năng nhóm các thông báo theo ứng dụng
- Android 8.0 và 8.1 (Oreo). Phát hành lần lượt vào 21/8/2017 và 5/12/2017. Ra mắt chế độ picture-inpicture (PIP) nguyên bản. Thực hiện đa tác vụ và tính năng nhắc lại thông báo.
Và cho đến nay phiên bản hệ điều hành Android 12 chính là hệ điều hành Android mới nhất 2021.
Những hãng điện thoại chạy hệ điều hành Android
Hiện nay đang có rất nhiều thương hiệu thiết bị điện thoại chạy hệ điều hành Android, có thể kể đến một số hãng điện thoại lớn như:
- Điện thoại Samsung chạy hệ điều hành Android đến từ Hàn Quốc
- Oppo chạy hệ điều hành Android đến từ Trung Quốc.
- Xiaomi: Thương hiệu được thành lập vào năm 2010 tại Trung Quốc.
- Nokia: Hãng sản xuất điện thoại lâu đời được thành lập vào năm 1865.
- OnePlus: Thương hiệu đến từ Trung Quốc và là công ty con của tập đoàn Electronics.
Hãng điện thoại sử dụng hệ điều hành Android
Trên đây là những thông tin quan trọng xoay quanh chủ đề “hệ điều hành Android là gì?”. Mong rằng bài viết sẽ đem lại cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Mọi thông tin thắc mắc hay đóng góp ý kiến vui liên hệ với HanoiMobile để được hỗ trợ.
Đọc thêm các chia sẻ khác của Hanoimobile:
Để lại câu hỏi của quý khách